Posted in Blog - Tin Tức, Tin Tức

BÀI THƠ HAY CHO NHỮNG NGƯỜI CHIẾN THẮNG (Bình luận về bài thơ “Tổ Quốc nơi biên thùy” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến)

TAM GIANG
Tổ quốc nơi biên thùy
(Tưởng nhớ những chiến sĩ hy sinh ở biên giới năm 1979)
Mùa này biên giới hoa sim
Tím quanh mộ chí im lìm các anh
Bao người lính trận vô danh
Hiến dâng đất nước tuổi xanh của mình
Lặng thinh không thể lặng thinh
Trước bao xương máu hy sinh giống nòi
Quên ư! Không lẽ quên rồi?
Đường lên biên giới một trời hoa sim
Màu hoa chẳng chịu lặng im
Lẫn vào sỏi đá thắp nghìn nén hương
Mùa này biên giới đầy sương
Có ai trở lại chiến trường về thăm
Vị Xuyên, Phong Thổ, Đồng Đăng
Các anh ngã xuống trẻ măng thuở nào
Các anh nằm dọc chiến hào
Từng cây số máu trên cao nguyên này
Trong tầm lựu đạn ném tay
Trong khe ngắm của những cây súng thù
Hòa An mây núi âm u
Đường lên Bản Giốc mịt mù còn nghe
Các con dưới cỏ xanh rì
Chỉ thương tóc mẹ bạc về trắng đêm
Các con như cỏ hồn nhiên
Xanh thăm thẳm mọc dọc miền bao la
Ta là con của phù sa
Cha là đất nước. Mẹ là quê hương
Còn nghe máu thấm biên cương
Mây buồn Lũng Cú. Đêm trường Nam Quan
Ta là con của Việt Nam
Theo cha xuống biển tự ngàn năm xưa
Lên rừng thờ mẹ Âu Cơ
Đem xương máu dựng cõi bờ hôm nay
                                                 17.2.2013 
                                           Nguyễn Việt Chiến
Tù binh Trung Quốc bị bắt tại Cao Bằng

Đọc báo Thanh niên những bài báo đầu xuân, tôi bất chợt bắt gặp bài thơ “Tổ Quốc nơi biên thùy” của anh – Nguyễn Việt Chiến – một cái tên tôi nghe mà ngờ ngợ, vừa quen vừa lạ, hình như đã gặp anh trong bài thơ nào đấy.

Đọc bài thơ một lần, hai lần, rồi đọc cả đêm, tôi mới nhận ra tâm hồn của người của người cựu chiến binh trên mặt trận Biên giới phía Bắc năm 1979. Bài thơ là nén nhang lòng của anh tưởng nhớ những đồng đội hy sinh để bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Bài thơ là cả một không gian rộng lớn đầy mù sương, sắc tím của miền biên ải, tiếng thở dài nhớ tiếc người xưa.
Tây bắc, Đông Bắc một dãi từ Móng Cái, Đông Triều đến tận Phong Thổ rợp trời một màu sắc tím:
      “Mùa này biên giới hoa sim

        Tím quanh mộ chí im lìm các anh”
Và…
   “Đường lên biên giới một trời hoa sim
Màu hoa chẳng chịu lặng im
Lẫn vào sỏi đá thắp nghìn nén hương”
          Chao ôi, cả vùng núi rừng trùng trùng điệp điệp bạt ngàn một loài cây hoa tím, loài cây mọc hoang dại mà nở hoa màu dịu hiền – hoa sim – màu tím gợi buồn man mát một không gian buồn của lòng người khi nhớ người thân, đồng đội cùng chung tuyến lửa, sống chết có nhau. Sóng lòng của người, con song dồn lên lớp lớp, nghẹn ngào như rừng hoa sim tím ngát rung rinh trước gió biên cương, trước anh linh người khuất:
“Màu hoa chẳng chịu lặng im
Lẫn vào sỏi đá thắp nghìn nén hương”
          Nghìn nén hương thắp lên sáng rực chiều biên giới. Buồn man mát, một cảm giác thương tiếc, không ngoai trong lòng; Nhạc lòng lại nổi lên hòa lời ca của bài hát “Nếu anh tới biên giới sẽ được thấy loài hoa, hoa sim”. Đúng thật, biên giới có lau thì cảnh hùng vĩ, biên giới có sắc tím sim thì nên thơ mà đượm buồn da diết.
          Trời đất biên cương nơi địa đầu Tổ quốc, “nơi con song Hồng chảy vào đất Việt” còn thấm lẫn mù sương: “Mùa này biên giới đầy sương”
          Ơi miền núi cao, sương trắng len lõi khắp nơi, sương quấn lấy người chiến sĩ, quấn lấy cây súng trên tay người lính gác, phả hơi lạnh, buốt sương của miền Bắc Bộ. Một thứ sương lạnh chết người, sương dày đặt, lạnh tê tái da thịt chứ chẳng phải thứ sương lãng mạn ở ngõ Tam Thương
                   “Sương dăng mờ trên ngõ Tam Thương”

(Chế Lan Viên – Chơi chữ về ngõ Tam Thương)

Bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tại Lạng Sơn năm 1979
          Miền biên cương năm ấy đẫm máu quân thù, đẫm máu các anh. Các anh, tuổi đời mười tám, hai mươi xung phong trận mạc, trước tên bay lửa đạn, trước nồng sung quân thù
“Vị Xuyên, Phong Thổ, Đồng Đăng
Các anh ngã xuống trẻ măng thuở nào”
          Giặc giữ hung tàn, tràn san theo đúng con đường nghìn năm chúng sang bờ cõi nước ta, mỗi tấc đất, chiến hào mỗi trận địa là biết bao máu các anh tô thắm, không ngừng ngại ra đi cho lá cờ vẫn đỏ tươi trong nắng mới
“Các anh nằm dọc chiến hào
Từng cây số máu trên cao nguyên này
Trong tầm lựu đạn ném tay
Trong khe ngắm của những cây súng thù”
          Tổ quốc gọi các anh lên đường ra mặt trận, một thế hệ xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, một thế hệ làm nên những anh hùng
“Bao người lính trận vô danh
Hiến dâng đất nước tuổi xanh của mình”

Đọc đến đây, tôi nghĩ những năm tháng anh Nguyễn Việt Chiến và đồng đội của anh trên mặt trận cũng giống như một thời hoa lửa của Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Viết Xuân, Lê Mã Lương những con người vứt bỏ cuộc sống hòa bình, tuổi trẻ mà lao vào miền khói lửa nhắm thẳng quân thù mà bắn, “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến diệt thù” các anh, các chị trẻ quá – những bông hoa màu đỏ “Mãi mãi tuổi hai mươi” nở trên xác thù, là cỏ non xanh mơn mởn trên núi đồi biên cương.

Các con ra đi, đoàn quân kéo đuôi nhau, rộn ràng ra mặt trận, vui như ngày hội, ngày hội của những anh hùng thời đại Hồ Chí Minh

                   “Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”
chỉ  có lòng mẹ, tâm cha mới thấu hiểu chiến trường là gì ba mươi năm đau từng khúc một vì mất người thân
“Hòa An mây núi âm u
Đường lên Bản Giốc mịt mù còn nghe
Các con dưới cỏ xanh rì
Chỉ thương tóc mẹ bạc về trắng đêm
Các con như cỏ hồn nhiên
Xanh thăm thẳm mọc dọc miền bao la”
Những nấm mồ vô danh nơi rừng sâu, vách đá làm mẹ ta nhói lòng. Tôi từng đến nhiều nghĩa trang liệt sĩ và từng bắt gặp hình ảnh người mẹ lặng đứng trước hàng quân bia liệt sĩ, trước nấm mồ khắc tên con mà lòng lặng yên, không nói, mẹ vẫn biết con mẹ mười tám tuổi, vẫn cười đùa, hồn nhiên ngay cả dưới mưa bom, chỉ khói hương làm mẹ nhớ về con và ôm con vào lòng, mẹ thắt đau khi nhận giấy báo tử con hy sinh mùa đông năm 1979.
          Buồn, đau. Cả dân tộc này đã buồn đau và còn hơn thế đã suốt từ mấy nghìn năm nay rồi. Buồn đau phải đứng dậy vứt bỏ buồn đau. Đất nước, quê hương, làng mạc, họ hàng, gia đình, sân đình, mảnh đất cày trồng lúa khoai là tất cả của tổ tiên dân Việt. Đất nước là máu xương, là ruột thịt, phải đánh trả và giành lấy mỗi tấc đất mà cha ông nghìn đời lấy máu mà có được
“Ta là con của phù sa
Cha là đất nước. Mẹ là quê hương
Còn nghe máu thấm biên cương
Mây buồn Lũng Cú. Đêm trường Nam Quan
Ta là con của Việt Nam
Theo cha xuống biển tự ngàn năm xưa
Lên rừng thờ mẹ Âu Cơ
Đem xương máu dựng cõi bờ hôm nay”
          Chặt đầu Liễu Thông, băm thay quân Mông Cổ, dìm chết Thoát Hoan cũng trên trận địa này đây, cũng chính tay con Lạc cháu Hồng. Nghìn năm, vạn năm chung bay cũng không lấy được tấc đất quý hơn vàng của dân tộc Việt Nam.
“Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”
          Thời gian trôi qua, màu mực đã phai, giấy báo có thể cũ nhưng trong lòng tôi, lòng người đọc vẫn nhớ về anh Nguyễn Việt Tiến, về bài thơ xúc động – nén nhang thơm cho hương hồn các anh hùng liệt sĩ, cho thế hệ những anh hùng vì độc lập dân tộc cho nhân dân vui đời say hạnh phúc.
          Xin hát mãi về các anh.

Leave a comment