Posted in Chính trị - Xã hội

VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG VÀ MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO SỬA ĐỔI, BỔ SUNG ĐIỀU 4 HIẾN PHÁP 92

Phạm Tiến

Hiện nay Đảng và Nhà nước đang lấy ý kiến của nhân dân về bản sửa đổi Hiến pháp 1992, rất nhiều ý kiến tích cực đã được đưa ra từ nhân dân cả nước, trong đó có nhiều ý kiến về Điều 4 Hiến pháp sửa đổi. Có rất nhiều ý kiến trái chiều nhau nhưng đại đa số nhân dân ủng hộ việc giữ Điều 4 Hiến pháp, bên cạnh đó cũng có một số ý kiến cho rằng phải xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp. Ngoài ra, các thế lực thù địch trong và ngoài nước cũng đang ngày ngày có những luận điệu kích động nhân dân ủng hộ “xóa bỏ điều 4 Hiến pháp, đa nguyên, đa đảng” ở Việt Nam. Vậy chúng ta hãy nhìn vào thực tiễn đất nước từ khi Đảng thành lập đến nay để có thể thấy được vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước để từ đó có thể kết luận một cách đúng đắn về việc sửa đổi Điều 4 Hiến pháp 1992, tránh bị các thế lực thù địch xuyên tạc, lợi dụng.

Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược, xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã tiến những bước dài chưa từng có trong lịch sử. Từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, Việt Nam đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, có quan hệ quốc tế rộng mở, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu nay Việt Nam đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế từng bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong điều 4 Hiến pháp 92 sửa đổi, bổ sung cũng đã nêu rõ:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Hiến pháp không phải là “giấy phép” cho Đảng có vai trò lãnh đạo nhưng vì trong xã hội có lực lượng của nhiều tổ chức chính trị – xã hội khác nhau nên sự thừa nhận chính thức vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội trong Hiến pháp là rất cần thiết. Với sự thừa nhận đó, Đảng có trọng trách trong việc lãnh đạo xây dựng bộ máy chính quyền, trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc và thời đại để giành thắng lợi cho cách mạng.

Quyền làm chủ của dân được thực hiện qua việc dân bầu ra Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của mình để quản lý toàn xã hội bằng luật pháp. Quốc hội ban hành Hiến pháp là luật gốc. Điều 4 trong Hiến pháp là chỗ dựa pháp lý để Nhà nước quản lý tổ chức và hoạt động của Đảng.

Từ khi nhân dân ta có Đảng lãnh đạo, các thế lực thù địch với cách mạng Việt Nam luôn chĩa mũi nhọn của chúng vào việc chống phá Đảng. Sự thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng như trong điều 4 của Hiến pháp là cơ sở pháp lý để trừng trị những kẻ có hành vi, đủ chứng cứ là cố tình xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ Đảng với nhân dân, kích động nhân dân chống lại Đảng hòng mưu toan lật đổ chính quyền cách mạng, thay đổi chế độ xã hội để nhân dân không còn có quyền làm chủ.

Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 không chỉ thừa nhận Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội mà còn quy định điều kiện Đảng phải có để giữ được vai trò lãnh đạo. Điều kiện đó là Đảng phải gắn bó chặt chẽ với giai cấp công nhân, phải là đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Mọi tổ chức của Đảng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Nếu Đảng không tự xây dựng được mình theo những điều kiện đó thì Đảng không có tư cách là Đảng lãnh đạo.

Đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập “có thể” bảo đảm được dân chủ đích thực cho nhân dân. Nhưng ở Việt Nam thì một Đảng duy nhất cũng đã và đang phát huy và bảo đảm được quyền làm chủ đích thực cho nhân dân. Như vậy ở Việt Nam chỉ cần có Đảng Cộng sản Việt Nam do chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện cũng đã đủ để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng xã hội ngày càng phồn thịnh, nhân dân ngày càng có cuộc sống tốt đẹp. Việt Nam đã đang từng bước khẳng định tiếng nói của mình không chỉ trong khu vực mà còn với các quốc gia khác trên thế giới.

 Như vậy chúng ta có thể thấy được qua tình hình thực tiễn đất nước, giữ Điều 4 Hiến pháp và sửa đổi như trong Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 hiện nay là đúng đắn và hợp lý.

       Là thanh niên sinh viên thời đại mới bản thân mỗi người chúng ta hãy làm chủ với chính kiến của mình trên những gì mà bạn đã được học từ khi lọt lòng cho đến khi ngồi trên giảng đường và cả sau này khi bạn trưởng thành, hãy tự hào là một công dân yêu nước chân chính biết lên án đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc mà các thế lực thù địch đã đang ra sức phá hoại đất nước ta.